9.28.2011

Bạn xứng đáng được trả bao nhiêu?



Bạn xứng đáng được trả bao nhiêu?
Trừ phi bạn có ý định sống lang thang trên hè phố, làm các công việc vặt hoặc may mắn được hỗ trợ bởi bố mẹ hay các nhà hảo tâm giàu có, hầu hết chúng ta đều đã từng ít nhất một lần tự hỏi mình rằng: “Tôi xứng đáng được trả lương bao nhiêu?” Mức lương chi trả và giá trị công việc của bạn vẫn luôn là một bí ẩn lớn.

I – Thay lời giới thiệu

Nếu bạn tìm kiếm trên Internet và thậm chí đi hỏi những người khác để đi tìm một lời khuyên về mức thu nhập – đặc biệt là dành cho các họa sĩ, thì các câu trả lời mà bạn nhận được rất chung chung và nằm trong  diện “Bí mật không thể nói”. Đối với nhiều người, mức lương khởi điểm là thứ rất khó đánh giá. Dĩ nhiên trong mức độ nào đó, những gì bạn có thể được trả  tùy thuộc vào cấp độ kỹ năng của bạn, nhưng trong phạm vi của bài viết này, tôi chỉ hướng tới thảo luận rằng những gì mà trung bình một thương nhân, một người làm việc tự do (freelancer), một họa sĩ hay một nhiếp ảnh gia cần được chi trả ở mức rất thấp!
Thu nhập là nấc thang và là một trong số các thước đo thành công của bạn trong công việc
Trong bài viết này, tôi sẽ sử dụng trải nghiệm của chính bản thân tôi trong vai trò một người làm việc tự do trong gần 10 năm qua và trong quá trình làm việc tại công ty của chính mình, LunarStudio. Trải nghiệm tương tự có thể áp dụng cho hầu hết mọi người ở nhiều tình huống cụ thể khác nhau.
Cá nhân người dịch (elpvn) đã cố gắng để chuyển ngữ và quy đổi một vài phép tính cho phù hợp với mặt bằng chung của người Việt, và để đảm bảo nhất quán cũng như có sự so sánh nhất định nào đó, tôi vẫn giữ nguyên các mức thu nhập tương đương của các đồng nghiệp ở Mỹ sử dụng trong bài viết gốc. Dĩ nhiên từ góc độ cá nhân có thể vẫn còn nhiều thiếu sót và không thể tránh được tính cảm quan. Nhưng về cơ bản tôi sẽ cố gắng để thực hiện điều đó một cách xác thực nhất với môi trường Việt Nam và hy vọng nó thực sự hữu ích đối với một ai đó.

II – Internet – Kẻ chi phối thù lao toàn cầu

Tại thời điểm trước khi Internet phát triển tới mức chóng mặt và phổ biến như hiện nay, nếu bạn muốn mua một chiếc TV, bạn có thể phải chạy xe vòng quanh thị trấn tới một vài cửa hiệu điện tử để hỏi mua. Mức giá mà bạn phải chi trả gần như là cố định.
    Bạn không còn phải xếp hàng dài ở các cửa hàng để mua sắm như thế này trong kỷ nguyên Internet
Nếu bạn chạy tới một cửa hàng cạnh tranh bên cạnh đó, bạn có thể giảm được vài chục dollar. Nếu bạn chạy xe xa hơn – có lẽ là tới một thành phố khác – mức giá còn có thể khác biệt hơn nhiều, tăng hoặc giảm xuống vài trăm USD. Ở đây thực sự không có bất kỳ một thang giá nào để so sánh giữa các khu vực khác nhau. Các mức giá nhiều hoặc ít được ước định đưa ra dựa vào mức độ sẵn có của mặt hàng và mức thu nhập bình quân của nơi mà bạn đang sống.
Bước vào kỷ nguyên mua sắm trên Internet. Không còn cảnh mọi người bị giới hạn bởi các cửa hàng điện tử ở cạnh họ nữa. Giờ đây, nếu bạn nhìn thấy một chiếc TV mà bạn thích tại một khu vực/cửa hàng cụ thể nào đó, bạn có thể trở về nhà và thực hiện một cuộc tìm kiếm chiếc TV tương tự mẫu đó trên Internet thông qua các công cụ tìm kiếm trực tuyến như Google.
Đây là thời đại mà Internet đang chi phối mức lương bạn được trả
Trong giai đoạn phôi thai của Internet, bạn có thể khám phá ra những khoản tiết kiệm khổng lồ từ chính xác cùng một sản phẩm, có thể thậm chí còn được giao hàng miễn phí và không phải trả thêm khoản thuế giá trị gia tăng nữa! Bỗng nhiên, bạn nhận ra rằng đây là một cơ hội tuyệt vời để gia nhập vào thế giới giao dịch trực tuyến. Bạn được nhìn thấy những gì mà mức giá một công ty ở một khu vực nào đó đưa ra, và mức giá mà một công ty khác ở khu vực khác đưa ra là hoàn toàn khác biệt. Đây là một sự so sánh về mua sắm trên một cấp độ lớn, mang tính tức thời và thuận lợi hơn.
Đồng tiền của bạn đã đi đâu? Hãy quan sát biểu đồ này của giới thống kê tiêu dùng Mỹ để biết hành trình của từng món tiền rời khỏi ví bạn…
Một mặt nào đó, Internet đã ảnh hưởng tới việc phơi bày những mức giá đặt cao quá thái, và ở khía cạnh khác nó cũng là nơi trưng bày các mức giá “không thể tốt hơn”. Theo thời gian, các mức giá cao và thấp xuyên suốt cả quốc gia dần đi tới một cấp độ ngang bằng. Các cửa hàng địa phương nơi bạn sống cũng bắt đầu đưa ra mức giá cho chiếc TV mà bạn muốn mua ngang bằng với mức giá mà bạn có thể tìm thấy trên Internet. Các ranh giới ban đầu được thiết lập dựa trên sự thiếu hụt các thông tin và giới hạn khoảng cách địa lý giờ đây bắt đầu bốc hơi.  Internet đã trở thành kẻ định giá vĩ đại!

III – Một phép thử giản đơn

Giờ đây có thể bạn sẽ tự hỏi bản thân mình rằng, làm thế nào để áp dụng điều đó một cách chính xác đối với công việc kinh doanh của bạn? Có sự tương đồng nhất định khi áp dụng cho các dịch vụ của bạn. Chẳng hạn như các mức giá hàng hóa xung quanh đất nước bắt đầu tiến tới ngưỡng thống nhất, mức giá cao và thấp của những gì bạn có thể đặt ra cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Mọi thứ bao gồm cả mức thu nhập bình quân và mức lương chi trả cũng bắt đầu tiến mức phổ thông mà các nơi khác thường đưa ra. Trong một vài nơi còn lại ở đất nước bạn, vẫn sẽ có những mức chi phí sinh hoạt cao hơn và những điểm khác biệt chính sẽ nằm ở mức lương, nhưng các sự khác biệt này sẽ dần dần được điều chỉnh phù hợp.
Hãy lấy ví dụ về hai họa sĩ số đang làm việc ngoài sự chi phối của Internet. Một người đang ở một nông trại đồng quê – một nơi nào đó tại TP. Vinh – Nghệ An. Chúng ta tạm gọi anh này là “Họa sĩ A.” Họa sĩ A đang có một mức sinh hoạt phí rất thấp. Anh ta chỉ phải chi 500 ngàn đồng mỗi tháng để thuê phòng.  Hầu hết các hóa đơn của anh đều có tốn tương đối ít tiền.
    Họa sĩ A làm việc đơn giản với các công cụ truyền thống, ít tốn kém và sinh hoạt ở mức bình dân hơn
Giờ đây hãy nói về “Họa sĩ B.” Họa sĩ B sinh sống ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Mức giá thuê phòng mà anh ta phải trả tầm 2 triệu đồng mỗi tháng. Mức phí sinh hoạt chung của anh này dĩ nhiên là cao hơn anh Họa sĩ A.
Họa sĩ B làm việc trong môi trường công nghiệp và sang trọng hơn, đòi hỏi phải trang bị nhiều thứ tốn kém hơn
Hãy đặt giả thiết rằng cả hai họa sĩ này đều tạo ra những tác phẩm có cùng chất lượng (trong một phạm vi so sánh tương đương nào đó). Hãy thử đoán xem liệu ai sẽ đưa ra mức giá cho sản phẩm cao hơn để theo kịp mức phí sinh hoạt của họ? Câu trả lời dĩ nhiên là Họa sĩ B.
Thật không may, Họa sĩ A có thể dễ dàng bỏ thầu với mức giá đắt hơn cả Họa sĩ B. Ở một góc độ khác, Họa sĩ A có thực sự công bằng trong việc mạnh miệng đưa ra mức giá đắt hơn Họa sĩ B hay không? Trong một phạm vi ngắn hạn hoặc mang tính thời vụ, điều đó có thể là một quyết định đúng. Dù chi phí bỏ ra để duy trì cuộc sống của họa sĩ A là thấp hơn nhiều so với Họa sĩ B, nhưng hãy đoán thử xem điều gì xảy ra? Các mức giá của những chiếc TV mà họ đang xem trước đó vẫn duy trì ở mức giống nhau!
    Ngoài chất lượng tác phẩm, thì mức thù lao là mẫu số chung mà cả họa sĩ A và họa sĩ B đang trông đợi
Họa sĩ A phải làm việc chăm chỉ hơn để đáp ứng mức giá phải trả để mua chiếc TV bởi vì mức giá sinh hoạt mà anh ta chi ra thấp hơn nhiều. Họa sĩ B cũng phải nhận nhiều việc hơn để làm thêm tại nhà (bởi vì anh ta phải trả cho những hóa đơn có mức giá cao hơn) nhằm đua tranh với Họa sĩ A trong việc mua sắm chiếc TV. Cả hai họa sĩ phải lao động nhiều hơn để cho ra nhiều tác phẩm hơn, đơn giản là vì cuộc đua tranh của họ giờ đây đã diễn ra thông qua Internet.
Vậy giải pháp nào để giải quyết vấn đề này? Bạn có thể chọn chờ đợi “sự giải hòa vĩ đại từ Internet” – nhưng liệu nó sẽ kéo dài tới bao lâu thì có Chúa mới đoán được, dù rằng ở mức độ nào đó thì tất cả chúng ta đều phải chờ đợi. Bạn cũng có thể thử tạo ra những tác phẩm về căn bản là tốt hơn và đưa ra mức giá cao hơn, nhưng điều này không phải khi nào cũng diễn ra như bạn nghĩ, đơn giản là người ta sẽ không thừa nhận nó tốt hơn và đi tới một xu hướng là sẽ trả những mức giá thấp nhất.
    Đừng bao giờ để mình rơi vào hoàn cảnh như thế này. Hãy chủ động tiếp cận và tạo cơ hội cho bản thân
Bạn cũng có thể thực hiện những tác phẩm có chất lượng tệ hơn, và đó là lúc mà nó trở thành một trò chơi của những con số thông qua việc liệu sẽ có bao nhiêu khách hàng đổ xô vào các cửa hàng để lùng mua nó trước khi họ kịp nhật ra rằng họ đang nhận được những tác phẩm không đạt chuẩn. Xét về bản chất, bạn vẫn thực hiện cùng một khối lượng công việc. Nếu bạn muốn tăng chất lượng thì dĩ nhiên bạn phải chi trả thêm cho nó.
Những gì mà một người trung bình đã làm (phải thừa nhận một cách mặc nhiên rằng các kỹ năng của bạn là trung bình) là đi tìm một sân chơi tầm trung – một mức độ hài lòng vừa phải. Một mức giá không “quá cao” và cũng không “quá thấp”. Cũng như sự tiến bộ các kỹ năng của bạn, bạn sẽ có cơ hội thay đổi mức đó lên nhiều hơn theo thời gian khi mà các dịch vụ của bạn tiến tới đáp ứng những nhu cầu lớn hơn.
    Những ý tưởng đột phá và “hàm chứa chất lượng” như trang themilliondollarhomepage.com này luôn được đánh giá cao
Điểm quan trọng ở đây là bạn không cần phải làm hài lòng bất kỳ ai bằng việc đưa ra mức giá thấp hơn so với anh bạn họa sĩ đồng nghiệp (hay với một thương gia nào đó) trong thời đại Internet. Trong thực tế, bạn có thể khiến mình bị hại nhiều hơn là có lợi. Cuối cùng, bạn cần cung cấp một sản phẩm chất lượng với một dịch vụ uy tín, và hy vọng rằng những thứ đó sẽ tạo ra sự khác biệt lớn. Trong một thế giới hoàn hảo, chúng ta muốn đưa mọi thứ về cùng một mức giá tương đồng, và chỉ những sản phẩm nào có giá cao hơn thì mới có [khả năng] chất lượng tốt hơn.

IV – Các so sánh khác

Vậy bạn đã tìm kiếm xung quanh Internet và kiểm tra xem những gì mà các đối thủ khác và các đồng sự đưa ra. Bạn sẽ thấy một nhân vật vô danh nào đó đang ở đâu đó cố gắng đưa ra mức giá 25USD cho một bức ảnh mà anh ta muốn bán. Trong khi đó ở chỗ khác, bạn thấy một nhân vật khác với một tác phẩm khác trông có vẻ tốt hơn chút xíu nhưng lại đưa mức giá cho bức ảnh đó của anh ta lên tới ngưỡng 250USD. Liệu mức giá nào đáng quan tâm hơn cả?
Vội vã tìm việc đôi khi khiến bạn phải chịu nhiều thiệt thòi về thù lao
Có lẽ cũng giống như hầu hết mọi người khác, bạn sẽ xem xét đến lời đề xuất của nhân vật “vô danh” ở trường hợp thứ nhất và và chỉ bắt đầu với mức giá đó và cố gắng kiếm đủ sống. Xu hướng ban đầu có thể trả một mức giá thấp – cụ thể là 25USD. Nhưng bạn có thể bán đứt bản thân một cách ngắn hạn như vậy hay không? Có thể nếu bạn dám đưa ra mức giá gần 250USD để bán tác phẩm của mình, người ta sẽ thấy tác phẩm của bạn “chuyên nghiệp hơn” hoặc “có giá trị hơn.” Đó là một câu hỏi khó với một câu trả lời xem ra còn khó hơn…
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy nhìn sang các lĩnh vực khác với một số định mức cơ bản.
Lấy ví dụ đối với một thợ nước hoặc một thợ điện. Họ có thể dễ dàng kiếm được chừng 10USD-15USD/mỗi giờ (ở Mỹ con số này là 100USD-150USD/giờ). Nếu nguồn điện của bạn bị hỏng hóc hoặc nhà vệ sinh của bạn không hoạt động  – bạn không có lựa chọn nào thay thế nó thực sự từ việc cố gắng tự sửa nó. Bạn buộc sẽ bỏ ra nhiều hoặc ít hơn các mức giá đó để sửa chúng. Mặt khác, đó cũng là một lý do mà tại sao bạn phải bỏ ra mức giá đó để chi trả cho họ. Dù ở các mức giá đó, tôi cũng không thấy có nhiều người kiếm sống lâu dài với nghề thợ điện hay thợ sửa ống nước. Mức chuẩn mà họ nhận được đã bao gồm cả mức phí rủi ro và tưởng thưởng (vì đã giúp công việc của bạn hoạt động suôn sẻ trở lại) thật ra chỉ nằm ở mức trung bình.
    Đối với giới nhiếp ảnh, không nhất thiết phải có “súng dài” mới “bắn” được “gấu” lớn :D
Thế các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thì sao? Họ có được những hợp đồng béo bở 200USD-300USD / ngày (ở Mỹ tầm 1500USD – 2500USD/ngày). Thoạt trông có vẻ họ là những kẻ giàu có, nhưng có những khoản trong số đó họ phải để dành đủ để tiêu pha trong vài ngày trước khi đàm phán với các khách hàng tiềm năng, một vài ngày trong quá trình xử lý ảnh sau khi chụp, và một vài ngày sau khi hoàn tất hợp đồng đó có thể họ sẽ chẳng có gì để làm cả. Đó là chưa kể chi phí tân trang thiết bị nữa!
Với các kiến trúc sư, bạn sẽ được trả bao nhiêu khi mà giả sử các công ty sẽ tính lương cho bạn theo giờ làm việc? Mức trung bình mỗi giờ lao động của một Kiến trúc sư tầm 125USD/giờ. Còn các chủ nhiệm thiết kế, các kiến trúc sư uy tín? Con số đó của họ có thể được đẩy lên tầm 200USD/giờ.
    Không phải ngẫu nhiên mà mức lương dành cho giới KTS chúng tôi cao hơn so với một số ngành nghề khác. Chi phí học hành, sự đa dạng về kiến thức cũng như các đòi hỏi về sáng tạo và tính toán là những yếu tố làm nên một KTS
Giờ đây hãy nhìn xem công việc Họa viên kiến trúc của tôi nó như thế nào. Việc điều hành công ty của tôi (vẽ các tác phẩm, vận dụng các kiến thức 3D, tự học, marketing, lập danh sách đơn hàng, bán hàng, v..v..) phức tạp hơn bất kỳ công việc nào khác mà cá nhân tôi đã từng thấy và đòi hỏi nhiều kỹ năng cũng như sự đa nhiệm trong cách thức xử lý công việc. Bạn nghĩ xem liệu tôi đáng được trả bao nhiêu nếu tôi trải qua một giờ làm việc trong công ty của chính mình?
Bạn có thể tự nói với bản thân rằng, “OK, nghệ thuật không quan trọng lắm.” Tuy nhiên, trong lĩnh vực của tôi, tôi nhận thấy đó là sự thật. Công việc vẽ minh họa của tôi giúp bán được nhiều tòa nhà có giá trị cả triệu dollar dựa trên các ý tưởng và các bản vẽ kỹ thuật. Nếu một ai đó đang lên kế hoạch chi ra 50 triệu USD  để xây dựng một cao ốc nào đó và họ cần có hàng loạt bản vẽ và những bức phối cảnh hoàn mỹ, liệu bạn có nghĩ rằng có đáng để bỏ ra 10,000 USD hoặc nhiều hơn thế cho phần việc đó không? Dĩ nhiên là đáng để duyệt rồi. Tác phẩm của tôi cũng cần có sự thông qua của Hội đồng thành phố về mặt luật xây dựng. Về cơ bản, các bản vẽ phối cảnh đó sẽ cho các nhà thiết kế hình dung xem liệu nó sẽ trông ra sao trước khi thi công, và nó sẽ giúp công việc của họ diễn ra nhanh chóng hơn. Đó là một dịch vụ hữu ích đối với mọi người và các công ty.
Ngoài thiết kế, bạn còn phải chịu trách nhiệm về nhiều thứ khác khi quản lý một công ty
Vậy tôi sẽ hỏi lại bạn một lần nữa – Bạn nghĩ tôi đáng được trả bao nhiêu? Công việc của tôi phức tạp hơn mức bình thường và nó rất hữu ích với nhiều người. Ngồi nhẩm tính lại, tôi đã trải qua gần 10 năm công tác, làm việc và nghiên cứu 16 giờ một ngày, chiếm gần 7 ngày mỗi tuần mà hầu như không có bất kỳ một kỳ nghỉ lễ nào. Vậy với chừng ấy công sức và những nỗ lực mà tôi đã bỏ ra trong công tác thì liệu tôi có đáng được xếp đầu về mức chi trả hay không?
Tôi sẽ nói lại kết luận mà tôi đã đề cập ở phần trước. Bạn sẽ không hào hứng với những gì mà bạn đang làm nếu biết rằng chúng được trả giá thấp. Đó chỉ là các phần việc mang tính thời vụ, điều tương tự cũng được áp dụng  trong việc tính phí cao, trừ phi bạn xác định được rằng sẽ sản xuất nó ở mức độ chất lượng tốt hơn với một dịch vụ tốt hơn. Bạn cần tìm một sân chơi tầm trung!

V – Giải mã các chi phí sinh hoạt

Giờ đây tôi có ít nhiều lý do cho lập luận của mình rằng, khoảng cách địa lý đang ngày càng trở nên không thích đáng trong kỷ nguyên số, hãy giả sử rằng bạn là một họa sĩ chuyên nghiệp với mức sống trung bình, đang sống độc thân ở một căn hộ trong một thành phố.
Một mình tồn tại giữa thị thành quả là một thử thách không nhỏ
Nhắc lại là giả sử bạn độc thân và dĩ nhiên là chưa có con cái. Tất cả những gì bạn làm là làm việc tự do, bán thời gian cho các khách hàng. Điều này “có lẽ” là một tình huống rất phổ biến trong thời đại này, đặc biệt với dân số trẻ ngày càng tăng như ở Việt Nam. Hãy thử tính các chi phí trang trải cho cuộc sống của bạn:
  • Thuê phòng: 1,5 triệu/tháng ~ 18 triệu/năm (tương ứng 1500USD/month ở Mỹ).
  • Tiền điện: 250 ngàn/tháng ~ 3 triệu/năm (tương ứng 250USD/month ở Mỹ)
  • Xã giao phí (đám cưới/sinh nhật/…):  400 ngàn/tháng ~ 4,8 triệu/năm (tương ứng  250USD/month ở Mỹ)
  • High-Speed Internet/Digital Voice/Truyền hình cable:  200 ngàn/tháng ~ 2,4 triệu/năm (tương ứng 200USD/month ở Mỹ).
  • Cước điện thoại di động (cộng thêm cước truy cập dữ liệu): 300 ngàn/tháng ~ 3,6 triệu/năm (con số này ở Mỹ là 80USD/month)
  • Chi phí xăng dầu, phương tiện đi lại: 500 ngàn/tháng ~ 6 triệu/năm (tương ứng 300USD/month ở Mỹ)
  • Tạp phẩm & ăn uống:  2 triệu/tháng ~ 24 triệu/năm (tương ứng 200USD/month ở Mỹ)
TỔNG CỘNG:  61,8 triệu VND/năm, tức là khoảng hơn 5 triệu VND/tháng (con số này tương ứng với mức phí sinh hoạt tầm 33,360USD/year ở Mỹ).
Điều này có nghĩa là bạn phải kiếm ra ít nhất mỗi tháng 5 triệu VND để trang trải các hóa đơn sinh hoạt của mình. Thậm chí tôi còn chưa tính tới các khoản chi xài khác như phí duy trì thẻ tín dụng, bảo hiểm y tế, các trang thiết bị (phần cứng/phần mềm) phục vụ cho công việc, các khoản quỹ phụ thu của các tổ chức như công đoàn hay từ thiện…
  • Bảo hiểm (gói trung bình của BHXH và BHYT, cũng như các dịch vụ bảo hiểm khác): 200 ngàn VND/tháng ~ 2,4 triệu/năm (3,600USD/year ở Mỹ).
  • Phí duy trì Thẻ tín dụng / các dịch vụ thanh toán điện tử:  100 ngàn/tháng ~ 1 triệu năm (tương ứng 150USD/month ở Mỹ).
  • Chi phí cho trang thiết bị (nâng cấp máy tính, phần mềm, điện thoại, sửa chữa…): 20 triệu/năm (tương ứng 2500USD/year ở Mỹ)
  • Tổng chi phí đã tính ở phần trước: 62 triệu/năm  (tương ứng USD33,360/year ở Mỹ).
TỔNG CHI PHÍ THỰC TẾ  XEM XÉT Ở CẤP ĐỘ THỨ NHẤT:  gần 84 triệu VND/năm (tương ứng 41.260USD/year ở Mỹ).
Vậy chúng ta phải chạy đua với công việc và thời gian để cố gắng kiếm đủ hơn 84 triệu/năm để trang trải tiền sinh hoạt. Đó là chưa tính tới 1/3 tiền thuế kinh doanh, 10% trừ vào phần lương hàng năm để chi trả phần bảo hiểm lương hưu, tích trữ thêm cho chi phí giao dục con cái sau này, và tích trữ cho các khoản để mua một căn hộ trong tương lai (phải có nhà mới kiếm được vợ chứ =))).Tôi nhẩm tính những khoản đó và đưa ra một con số ước đoán (trong phạm vi tương đối) để đi đến con số dưới đây.
TỔNG CHI PHÍ THỰC TẾ XEM XÉT Ở CẤP ĐỘ THỨ HAI: 84 triệu + 30% ~ 110 triệu/năm(tương ứng 60.000USD/year ở Mỹ).
Vậy đó! Bạn cần tới hơn 100 triệu/năm (tôi mạnh dạn làm tròn con số này cho đỡ ngợp) chỉ để duy trì sự tồn tại của bản thân bạn ở một thành phố! Làm sao mà hầu hết mọi người làm được điều đó? Họ phải quản lý chi tiêu của mình, nhưng thường thì họ luôn phải nỗ lực đấu tranh để giữ cho cái đầu mình tỉnh táo trước nguy cơ ngập lụt trong hóa đơn. Và thông thường người ta còn phải chia sẻ thu nhập với các bạn cùng phòng hoặc bạn đời (kết hôn) của mình nữa.
Trong đầu bạn lúc nào cũng vang lên: Tiền… tiền… tiền
Thêm một khó khăn nữa, những điều không may như cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009, và bạn thực sự phải đối diện với… vực thẳm! Trên đây là một vài thống kê về mức thu nhập và lương bổng bình quân ở Việt Nam và ở Mỹ
Tôi không có ý xua đuổi hay làm ai hoảng sợ, nhưng thực sự điều mà tôi đang muốn nói đến là bạn cần kiếm tối thiểu được khoảng tầm 100 triệu/năm để tồn tại trong năm 2010 này!

VI – Bạn đáng được trả bao nhiêu?

Hãy tạm đồng ý rằng mức chi phí 100 triệu/năm là mục tiêu ta phải đạt được. Vậy liệu mỗi tuần chúng ta cần kiếm được tối thiểu bao nhiêu? Cần biết rằng bạn sẽ phải làm việc khoảng 50 tuần mỗi năm. Giải mã ra ta có con số 2 triệu/tuần hay nói cách khác là 8 triệu/tháng. Xin nhắc lại, tôi xin làm tròn con số đó, bạn sẽ cần kiếm được tối thiểu 8 triệu/tháng!!! Một con số có thể gây choáng với một vài bạn đang trong giai đoạn manh nha rời khỏi ngưỡng cửa đại học!
Bạn thường xuyên phải đối mặt với áp lực deadline trong các dự án
Như đã nói, bạn là một họa sĩ và bạn may mắn nhận được hai ba dự án cho mỗi tháng, điều đó có nghĩa là bạn cần dành mỗi tuần cho một dự án nào đó trong số các dự án được giao phó. Mỗi dự án (phần việc) bạn cần phải kiếm được 4 triệu để đạt được mục tiêu 100 triệu/năm.
Giả sử (và đây là một giả thiết ở mức lý tưởng) rằng tất cả những chiêu tiếp thị của bạn hoạt động hiệu quả và bạn có thể đảm nhận để thu hút được cỡ 4 dự án mỗi tháng, thì nhiệm vụ của bạn chỉ còn là kiếm được ít nhất 2 triệu/cho mỗi dự án – đây là mức giá thấp và có lẽ khá dễ để đạt được. Tại mức giá thấp nhất đó, bạn thực sự mạo hiểm đối với kế sinh nhai của bạn và cả tương lai của chính bạn nữa! Đó là sự thật, có thể bạn không chỉ phải mạo hiểm với các giới hạn (bao gồm cả sức khỏe lẫn các deadline của các dự án), mà thay vào đó còn phải luôn tập trung về phía trước!
Vậy, một người chúng ta phải kiếm được bao nhiêu? Trong thực tế, bạn chỉ có thể kiếm nổi trung bình khoảng 2 dự án (công việc) mỗi tháng – nếu có thể. Nhưng hầu hết các họa sĩ lại không làm được điều đó. Hoặc là bạn sẽ cần phải cải thiện rất nhiều các chiến lược tiếp thị của bạn và kiếm nhiều việc hơn, hoặc là đáp ứng các công việc có khối lượng trung bình để đạt được mục tiêu 8 triệu/tháng.
    Điều mà bạn quan tâm là công việc của bạn được trả bao nhiêu? Và con số đó có đủ để nuôi sống bạn hay không? Hay lại tiếp tục thất nghiệp...
Thử đoán xem hầu hết các họa sĩ render chuyên nghiệp trong các dự án game đỉnh cao thường được trả bao nhiêu cho mỗi hình ảnh mà anh ta tạo ra? 20 triệu hoặc hơn. Tôi đã từng nghe rằng có những họa sĩ được trả tới mức 150 triệu cho mỗi hình ảnh tốt nhất mà anh ta thực hiện được. Họ có thể mất khoảng nửa tháng chỉ để làm việc với một bức ảnh duy nhất đó, nhưng đó cũng có thể là bức ảnh (phần việc) duy nhất mà họ phải làm trong tháng. Nếu họ nhận được hai hoặc nhiều hơn, thường thì họ sẽ rất đỗi vui mừng. Tháng tiếp theo của họ có thể chẳng có đơn đặt hàng nào cả.
Trong hoàn cảnh đó, bạn có thể dành khoảng thời gian đó cho học tập, nghiên cứu, thực hiện các tác phẩm cho cá nhân mình hoặc làm các công việc mà bạn không yêu thích lắm với những mức giá bèo bọt. Thực hiện những tác phẩm có chất lượng tổng thể thấp hơn sẽ là công việc mà bạn có lẽ phải ôm lấy trong suốt khoảng thời gian thất nghiệp này – Tất cả điều ấy chỉ để phục vụ mục đích lâu dài mà bạn đã đề ra.
    Thù lao được chi trả ngày càng cao do chính các chi phí vận hành và nhu cầu sinh hoạt trên thị trường ngày càng đắt đỏ
Tôi cũng đã từng được biết rằng có những Studio 3D uy tín đã nhã nhặn chi trả khoảng vài chục triệu đến cả trăm triệu cho mỗi hình ảnh mà các họa sĩ 3D của họ tạo ra. Nhưng như thế có mà đi ăn cướp à? Tuyệt đối không! Họ chỉ đơn giản là đang cố gắng đáp ứng các nhu cầu thay đổi kinh tế đang vùn vụt đến mức chóng mặt của xã hội.
Có thể bạn đang tự huyễn mình rằng, “Haha, tớ không phải sống trong một thành phố, vậy tớ không cần phải chi phí nhiều khoản như vậy” hoặc “Tớ đã lập gia đình và chẳng áp dụng được điều gì từ những mớ thống kê nhàm chán này cả". Tôi thành thật xin thưa với bạn rằng, đừng có trở nên lố bịch như thế nữa! Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, nên các ranh giới và chuẩn mực đó không còn nữa! Vấn đề chỉ còn là thời gian trước khi sân chơi trở nên cao hoặc thấp hơn mức mà bạn đang hình dung thôi.
Cân bằng giữa thời gian bỏ ra và mức thù lao nhận được chính là chìa khóa thành công cho việc áp giá đối với khách hàng. Đừng thắc mắc rằng tại sao bạn có thời gian nhưng vẫn không có tiền? Hãy bán nó cho công việc và bạn sẽ nhận được phần tương xứng!
Không có lý do gì để bất kỳ ai trong số chúng ta trở nên tự mãn chỉ để đơn giản là đấu tranh và “lướt qua” để giữ cho sự kiêu hãnh của bạn bồng bềnh trên mây khói. Nếu biết đánh giá công việc và những nỗ lực khó khăn mà bạn giành được lớn hơn mức giá tối thiểu mà bạn phải cố đáp ứng, thì bạn cần thay đổi tư duy của bạn.
Hãy mạnh dạn ra giá ít nhất tầm 4 triệu cho mỗi dự án là một mục đích tốt mà bạn cần đạt được khi bắt đầu công việc một mình. Trong thực tế điều này không phải khi nào cũng có thể, nhưng bạn cần phải giữ được mục tiêu đó trong tâm trí mình. Thực ra, tôi đã đi hơi xa khi nói rằng bạn cần phải ghi nhớ mình cần đạt được hơn 20 triệu cho mỗi dự án trong tâm trí bạn, nhưng giá trị công việc của bạn càng tiến tới con số đó, thì thù lao bạn nhận được sẽ càng tiến đến một con số xứng đáng. Đừng bán bản thân mình một cách ngắn hạn và rẻ rúng nhé!

VII – Hãy thực tế hơn…

Vậy nên, giờ đây tôi hy vọng mình sẽ thuyết phục được bạn rằng có thể đã được trả… quá thấp, tôi xin đề cập đến một góc độ khác. Thử đóng vai bạn là một nhà doanh nghiệp đối với một nhân viên xem sao nhé. Bạn không chỉ phải đạt được con số 100 triệu ban đầu cho mình mà chúng ta đã nhẩm tính ở phần trước, mà bạn cũng phải đảm mức lương tương xứng cho các nhân viên của bạn trong suốt cả năm.
Trình độ học vấn luôn đóng vai trò quan trọng trong mức lương mà bạn được trả
Trong các lĩnh vực kỹ thuật, có thể mức lương tầm 80 triệu (hoặc hơn) trong mỗi năm là khoản thu nhập dễ dàng. Bạn cũng không chỉ đơn giản là muốn có một tay trợ lý – bạn muốn xứng đáng để tạo ra lợi nhuận với những rủi ro và trách nhiệm mà bạn đang tự mình nắm giữ thêm. Do vậy, về cơ bản bạn cần thực hiện khối lượng công việc gấp đôi và chi trả đủ để giữ cho cái đầu của bạn ngoi ngóp được trên cán cân chi phí sinh hoạt.
Người họa sĩ cần không ngừng nghĩ về “cái tôi, bản thân tôi, và tôi.” Trừ phi bạn có một món hàng độc nào đó, nếu may mắn, hoặc sở hữu một phong cách độc nhất vô nhị nào đó – bằng không thì “danh tiếng” mà bạn có thể đang tìm kiếm sẽ thường rất khó nắm bắt. Bạn cần lôi được cái tôi ra khỏi tâm trí của một người họa sĩ độc lập.
Hãy thử hình dung một xíu rằng bạn đang có một công ty chính thức. Những gì mà bạn đã tính toán ở các phần trước đều bắt đầu trở nên nhỏ bé đi một cách nhanh chóng. Bạn không chỉ những hướng đến cột mốc 20 triệu, mà bạn còn phải đặt tầm nhìn lên những mức thậm chí còn cao hơn con số đó nhiều lần!
Bạn cần thêm các đối tác và kỹ năng team-work để đạt được hiệu quả cao nhất

VIII – Thay lời kết

Tôi có nhiều lý do để viết bài chuyên đề này. Đặc biệt, tôi đã từng thấy nhiều họa sĩ tự vấn bản thân họ trong suốt nhiều năm rằng, “tôi nên đưa ra mức giá bao nhiêu?” Tôi cũng đã được thấy nhiều câu trả lời vô vùng điên khùng. Cá nhân tôi cũng đang trả lời cho câu hỏi đó với các trải nghiệm cá nhân của mình. Khi mà có hơn một nửa số doanh nghiệp nhỏ thất bại ngay trong vòng 5 năm khởi nghiệp đầu tiên, tôi đã phải lèo lái để đưa công ty LunarStudio của mình thành công trong chừng mực nào đó và thuộc về phần còn lại.
Bạn và tôi đều cần chia sẻ thông tin và trải nghiệm
Bằng cách giúp đỡ các họa sĩ đồng nghiệp các các doanh nghiệp đang ở trong tình cảnh tương đồng thông qua các thảo luận rành mạch về vấn đề này, tôi hy vọng mình sẽ tăng được các chuẩn mực và đánh giá cho bản thân. Nếu chúng ta có dịp làm việc cùng nhau (và ngồi với nhau) để giúp xác định mẫu số chung thấp nhất cho bất kỳ hợp đồng đơn lẻ nào mà chúng ta cần tính phí cho mình, thì chúng ta có thể sẽ cương quyết ngăn cản các giá thầu rẻ rúng – những mức lương thường dẫn tới các nguy hại nhiều hơn là lợi ích.
    Hãy khẳng định chất xám của bạn ngay từ mức thù lao mà bạn đưa ra
Các họa sĩ và những người làm việc tự do cũng cần phải bắt đầu nhận biết và thẩm định được giá trị công việc, thời gian và những nỗ lực của họ, ngừng ngay việc bán rẻ chính bản thân họ chỉ với những mục tiêu ngắn hạn.
Cũng giống như tôi không thích nghĩ về các tác phẩm của mình “như là một món hàng” theo quan điểm của triết học, trở thành một “người chuyên nghiệp” đòi hỏi mỗi bản thân chúng ta một ứng xử chuyên nghiệp và có tư duy nghiêm túc trong công việc và cuộc sống.
P/S: Bài viết dựa theo nguyên bản bài “What Prices to Charge as a Freelancer or Artist” của tác giả Charles Leo (LunarStudio), trong đó cá nhân người dịch  (elpvn)  Nam, tác quyền bài dịch đã được đăng tải trên  CGEZINE X5 và vozExpress .

No comments:

Post a Comment