Bảo tàng trẻ em Himeji (tỉnh Hyogo - Nhật), một trong những công trình kiến trúc sáng tạo của Tadao Ando |
Hàng ngàn sinh viên kiến trúc và những người hâm mộ Tadao Ando đã đến khu Trung tâm Hội nghị Quốc gia để gặp thần tượng từ rất sớm. Do không đủ chỗ ngồi, ban tổ chức đã quyết định không cho một số sinh viên đến muộn vào cửa. Một cậu sinh viên kiến trúc nói khó với anh bảo vệ: “Anh cho em vào, để em chỉ nhìn thấy ông Ando một lần thôi, em muốn gửi cho ông ấy cái này” và cậu chìa ra chiếc vé với những hình kiến trúc được cậu vẽ theo trí tưởng tượng của mình.
Tadao Ando không chỉ là thần tượng của giới kiến trúc sư trẻ mà còn là một trong những kiến trúc sư nổi tiếng trên thế giới hiện nay. Cách ông dựng lên những ngôi nhà với chuẩn mực là phải đáp ứng nhu cầu “vừa an toàn vừa an tâm vừa thoải mái lại... hấp dẫn nữa”.
Chiến đấu không ngừng để đạt mục tiêu
Ít ai ngờ kiến trúc sư nổi tiếng này lại là người tự làm nên nghiệp lớn mà không qua trường lớp nào. Sinh năm 1941, tại Osaka, Nhật Bản, Tadao Ando đã tìm thấy cảm hứng trở thành kiến trúc sư vào năm 15 tuổi, khi lần đầu nhìn thấy những người thợ đến sửa nhà cho gia đình mình, lập tức cậu bé Ando cảm thấy thích thú với công việc đó. Năm 17 tuổi, tình cờ vào một cửa hàng sách cũ, Ando bắt gặp cuốn sách về kiến trúc của kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp Le Corbusier. Ando đã phải dành tiền để mua và đọc để tìm hiểu xem cái gì đã làm nên nhà kiến trúc sư thiên tài này.
Không chỉ qua sách, Ando lại thường xuyên đi tìm hiểu các kiểu công trình kiến trúc khác nhau rồi tự rút kinh nghiệm cho riêng mình. Ông nhớ lại, bà ông chính là người đã có ảnh hưởng đến sự nghiệp của đời ông. “Bà tôi luôn khuyến khích tôi phát triển nghề nghiệp một cách tự do. Năm 17 tuổi, tôi chơi boxing. Và điều tôi học được từ môn thể thao này là khi cần thì phải chiến đấu không ngừng để đạt được mục tiêu của mình. Tôi thấy điều này rất tương đồng với tính cách người VN, luôn nỗ lực không ngừng để thực hiện được mục tiêu của mình. Ai cũng có cơ hội, mọi cơ hội đều nằm trong tim, trong nỗ lực của chúng ta... Đó là mục đích chuyến thăm lần này của tôi tại Hà Nội” - ông tâm sự.
Lòng ham mê tìm hiểu thế giới đã khiến ông làm một chuyến đi từ Đông sang Tây và châu Phi để tự quan sát và học hỏi từ năm 1962 đến 1969. Những chuyến đi dài ngày và phong phú này đã hình thành và hoàn thiện tư duy thiết kế của ông. Năm 1969, ông thành lập hãng kiến trúc mang tên ông tại quê hương mình. Ông liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng thế giới, trong đó có giải kiến trúc danh giá Pritzker với số tiền 100.000 USD. Ông đã tặng số tiền đó cho những trẻ em mồ côi trong cuộc động đất Hanshin. Hiện nay, ông không chỉ làm việc ở Nhật Bản mà còn ở nhiều nước khác như: Mỹ, Mexico, Đức, Pháp, Trung Quốc...
Tadao Ando đã thiết kế hàng trăm công trình, trong đó có khoảng trên 130 công trình có giá trị nghệ thuật cao và đã có khoảng 100 cuộc triển lãm về các tác phẩm kiến trúc ở gần 20 nước trên thế giới. Ông giảng dạy và thuyết trình ở hầu khắp các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Lồng ghép thiên nhiên vào kiến trúc
Trong quá trình hiện đại hóa các ngôi nhà vào thập kỷ 50-60 của thế kỷ trước, ở Nhật đã làm mất đi yếu tố thiên nhiên, Tadao Ando đã có công khôi phục lại, lồng thiên nhiên vào từng ngõ ngách mỗi ngôi nhà, đưa ánh sáng trời và gió trời ùa vào khắp nội thất ngôi nhà, làm cho con người sống trong đó cảm nhận được những ưu ái của thiên nhiên ban tặng. Mỗi công trình, Ando đều lồng ghép ý tưởng riêng của mình vào trong đó và tìm cho được ngôn ngữ để biểu đạt chung.
Công trình đầu tiên làm nên tên tuổi Tadao Ando là tiểu khu phố Rokko Housing I ở Kobe, hoàn thành năm 1983. Tổ hợp này nằm trên sườn dốc tới hơn 60o của núi Rokko. Cả dự án là một khối nhà bê tông và kính trắng tương phản hoàn toàn với vách núi đầy cây xanh phía sau. Toàn bộ 20 căn nhà có kích thước 5,4 m x 4,8 m, mỗi căn đều có ban công nhìn thẳng ra cảng Kobe, vừa đơn giản vừa phức điệu. Phong cách này được đẩy lên từ công trình nhà lô ở Sumiyoshi (Azuma House), một nhà nhỏ 2 tầng, hoàn thành năm 1972. Nó bao gồm ba khối không gian vuông cân bằng, trong đó, hai khối đặc của không gian nội thất được chia cắt bằng một không gian mở của sân.
Những tòa nhà bằng bê tông và kính của ông giờ đã có mặt ở khắp nơi trên thế giới. Ông tự nhận mình xa lạ với những nét văn hóa cầu kỳ và chỉ sử dụng những chất liệu và hình thức kiến trúc, tạo phong cách cho riêng mình. Tadao Ando sáng tạo theo cảm hứng, với một tư duy độc lập, hầu như chẳng bao giờ ông để ý đến những phong trào, những trường phái, hoặc những phong cách kiến trúc đang thịnh hành quanh ông. Do vậy mà hầu hết tác phẩm của ông có nét độc đáo riêng và luôn biến đổi không ngừng, ít khi lặp lại những ý tưởng đã đề xuất.
Đô thị VN cần phải được cân nhắc
Những người yêu thích thời trang ở VN hẳn cũng không xa lạ với tên tuổi của Tadao Ando. Trong buổi trình diễn Đẹp Fashion Show 2006, các nhà thiết kế đã dùng các mặt phẳng cắt nhọn và độc đáo của kiến trúc Tadao Ando làm nền cho buổi trình diễn thời trang của mình. Hình ảnh các cô người mẫu như được tạc vào các mặt phẳng xù xì của kiến trúc Ando, tạo nên sự sang trọng, bí ẩn nhưng cũng không kém phần gai góc.
Với cái nhìn của một nhà kiến trúc sư tài ba, Tadao Ando khẳng định đô thị VN hiện đang ở trong giai đoạn cần phải được cân nhắc để phát triển. Dân số VN rất trẻ, năng lực tiềm ẩn VN còn rất nhiều. Những người lãnh đạo phải xây dựng đô thị của mình cân đối, hài hòa. Đối với ông, phải có cái nhìn triết học và thiết thực thì mới tạo ra được những vùng đô thị đẹp mà không làm mờ đi những nét văn hóa truyền thống. Theo ông, chủ nghĩa phê bình khu vực mà ông theo đuổi chính là biết tạo ra những cái độc đáo, riêng biệt trong từng nền văn hóa, nhưng vẫn phải biết kết hợp mặt mạnh trong kiến trúc của các nước khác, chứ không chỉ khư khư với bản sắc của dân tộc mình. Quan điểm của ông là “phải đi tìm những chân trời có thể có trong kiến trúc”. Ando đã phát triển hình thái kiến trúc mới đặc trưng bằng việc sử dụng kết cấu bê tông cốt thép chưa hoàn thiện. Sử dụng những hình khối hình học đơn giản để toát lên nét tinh tế và sự phong phú trong việc khớp nối giữa các không gian.
Theo Báo Người Lao Động, 29/11/2008, 18:45 (GMT+7)
No comments:
Post a Comment