11.10.2010

Di tích Acrolis của Hy lạp

Hy Lạp cổ đại đã để lại nhiều thành tựu lớn và những công trình xuất sắc cho nhân loại ngày nay. Văn minh Hy Lạp là khởi nguồn cho nền văn minh cận đại của châu Âu.
Toàn cảnh ngọn đồi Acroplis
Với vai trò là trung tâm của Hy Lạp, thành phố Athens từng là nơi sản sinh và phát triển các môn nghệ thuật, khoa học tự nhiên, triết học, số học, lịch sử và chính trị. Cho đến ngày nay, Athens vẫn là trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước Hy Lạp. Ngọn đồi Acropolis, tọa lạc ở ngoại ô thành phố Athens, là một trong những địa danh quan trọng và nổi tiếng của thành phố.
Vào khoảng năm 480 trước Công nguyên, người Ba Tư xâm lược Athens. Họ đã phá hủy các công trình và thảm sát dân thường. Phải mất hàng trăm năm, thành Athens mới được phục hồi với một chương trình xây dựng quy mô.
Đỉnh cao của chương trình xây dựng này là điện Parthenon, nằm ở một vị trí nổi bật trên đồi Acropolis. Điện Parthenon được sử dụng như một công trình ca tụng thành Athens cũng như những thành tựu mà Hy Lạp đã đạt được. Parthenon chính là một trong những biểu tượng của văn minh Hy Lạp.
Năm 1987, các di tích của Acropolis được công nhận là Di sản văn hóa của thế giới. Theo tiếng Hy Lạp, Acropolis có nghĩa là Thành phố trên cao. Nơi đây là trung tâm của thành Athens ngày xưa, lưu giữ nhiều di tích - kiệt tác kiến trúc của nền văn minh Hy Lạp cổ.
Theo truyền thuyết của người Hy Lạp, thần Poseidon và nữ thần Athena đều muốn bảo hộ cho vùng đất Acropolis và họ đã tranh tài. Thần Poseidon dùng cây đinh ba đâm xuyên qua mặt đất, tạo nên những cột nước khổng lồ, nhưng vì Poseidon là thần biển, nên trong nước chỉ có muối khiến mọi người thất vọng. Còn nữ thần Athena tạo ra cây ô-liu, làm tươi tốt cả một vùng. Món quà của nữ thần Athena rất hữu ích, mọi người rất vui mừng và nữ thần được chọn làm thần bảo hộ cho vùng đất này. Thành phố được đổi tên thành Athens. Người dân thành Athens đã xây dựng đền Parthenon để tôn thờ nữ thần vì những cống hiến của nữ thần cho thành phố.
Bên trong đền thờ Parthenon lúc bấy giờ có đặt một bức tượng của nữ thần. Đền Parthenon được ca ngợi như một thành tựu nổi bật của kiến trúc Hy Lạp và được đánh giá là một trong những công trình văn hóa vĩ đại của thế giới. Chiều dài của đền khoảng 70 mét và rộng khoảng 30 mét. Đền được xây dựng với tổng cộng 22 ngàn tấn đá cẩm thạch trắng. Công trình kiến trúc khổng lồ này nổi tiếng nhờ dãy cột kiểu doric hoàn hảo, sự trau chuốt của các bức tường và độ cong của bệ đỡ hàng cột.
Ngày nay, các nhà nghiên cứu đang cẩn thận phục chế từng chi tiết nhỏ của cột chống đỡ đền. Kiến trúc của đền Parthenon tuy không còn nguyên vẹn, song vẻ đẹp và trình độ kiến trúc của nó có thể sánh ngang với kim tự tháp của Ai Cập.
Đền Parthenon được xây dựng vào năm 447 trước Công nguyên theo đề xuất của chính trị gia lãnh đạo Athens lúc bấy giờ là Periles, chịu sự giám sát của nhà điêu khắc Phidias. Parthenon là sự hoàn thiện nghệ thuật đỉnh cao trên tinh thần thực nghiệm tri thức của người Hy Lạp cổ đại.
Nhà điêu khắc Phidias
Tuy nhiên, điều đáng tiếc là người dân Hy Lạp đã không thể gìn giữ nguyên vẹn kiến trúc tuyệt đẹp của họ. Các biến cố lịch sử đã phá hỏng ngôi đền và những điêu khắc của nó.
Ngoài đền Parthenon, Athens còn sở hữu nhiều tòa kiến trúc tuyệt đẹp khác, trong đó có đền Nike. Toàn bộ các công trình này đại diện cho giai đoạn huy hoàng của thành phố Athens. Bên phải đền Parthenon là ngôi đền của nữ thần chiến thắng Nike, người tùy tùng của nữ thần Athena. Ngôi đền của nữ thần Nike còn khá nguyên vẹn, tiêu biểu với lối kiến trúc cột chống độc đáo. Phía Bắc đền Parthenon là đền Erechtheion theo phong cách kiến trúc Ionic. Công trình này được xây dựng vào năm 420 trước công nguyên. Đền có cổng lớn ở phía Bắc và mái vòm nổi tiếng ở phía Nam.
Đền Erechtheion
Các kiến trúc của Acropolis đã khơi nguồn và tạo tiền đề cho sự phát triển của kiến trúc cận đại. Dưới ánh mặt trời đỏ rực của buổi hoàng hôn, đền Parthenon càng nổi bật bởi vẻ sừng sững của nó trên ngọn đồi. Qua hàng ngàn năm, vẻ đẹp của các di tích còn sót lại của Hy Lạp cổ vẫn thu hút được sự chú ý của thế giới. Du khách tìm đến Acropolis là để khám phá và chiêm nghiệm về quá khứ. Giờ đây, Acropolis chỉ còn là một khu di tích, song đối với người Hy Lạp, ngọn đồi thiêng này đã trở thành niềm tự hào của họ.
Ngày nay, trong đền không còn bức tượng nữ thần Athena cao sừng sững như mô tả trước kia. Song, một bức tượng cao khoảng một mét, mô phỏng nữ thần xinh đẹp đã được trưng bày trong viện bảo tàng để khách tham quan có dịp chiêm ngưỡng. Ngoài lối kiến trúc đặc sắc, các công trình ở Acropolis còn nổi tiếng với những bức tượng điêu khắc. Đây cũng là một phần sống động tạo nên nền văn minh Hy Lạp.
Tượng nữ thần Athena
Hầu như các tác phẩm điêu khắc trang trí cho các ngôi đền ở Acropolis không còn ở đó nữa. Chúng đã bị hư hỏng hoặc được đưa đến bảo quản và trưng bày tại các viện bảo tàng không chỉ ở Hy Lạp, mà cả ở Anh và Pháp.
Acropolis đã từng sở hữu một hí trường, hay còn gọi là nhà hát ngoài trời rộng lớn có sức chứa lên đến 17.000 khán giả. Nơi đây được sử dụng vào mục đích giải trí cho cư dân đông đúc của thành phố lúc bấy giờ. Hí trường là nơi trình diễn vô số những vở bi và hài kịch, phục vụ cho cuộc sống tinh thần của người Hy Lạp. Hí trường mang ý nghĩa quan trọng trong đời sống của người Hy Lạp. Có thể nói, đây là điểm giải trí duy nhất của họ. Ngày nay, người ta đã tận dụng công trình cổ xưa này để trình diễn một số buổi hòa nhạc hiện đại. Công trình đã trở thành khu quảng trường quan trọng của thành phố.
Sau khi thành phố Athens thoát khỏi sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ, việc phục hưng và bảo tồn những di tích cổ của Acropolis là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của nhà nước Hy Lạp.
Người dân Athens không chỉ có công gìn giữ các giá trị vật chất tồn tại cách đây 2400 năm, mà họ còn bảo lưu cả những giá trị tinh thần quý báu của thời kỳ đó.
Các nghi thức cổ và những cuộc diễu hành truyền thống tái hiện lịch sử Hy Lạp cổ đại vẫn được tổ chức hàng năm. Đây chính là yếu tố thu hút khách du lịch của Athens. Mỗi năm, Hy Lạp đón hàng triệu lượt khách đến tham quan. Hy Lạp cổ đại đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền văn minh cận đại của châu Âu và Acropolis là di sản của tri thức Hy Lạp cổ, niềm tự hào của người dân đất nước này.
Ngày nay, Acropolis nằm xen lẫn giữa cuộc sống văn minh, hối hả của Athens, song nét cổ kính cùng sự uy nghi của ngọn đồi thiêng này không vì thế mà mất đi.
(thvl.vn)
Theo artblog.moohay.com

No comments:

Post a Comment